Nhận định Lê_Thái_Tổ

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại những lời nhận xét về Lê Thái Tổ như sau:[5]

Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém.

Sử thần bàn:

Vua nối cơ nghiệp của ông cha, gặp buổi đại loạn mà chí càng bền, náu mình chốn núi rừng, làm nghề cày cấy. Do lòng căm thù quân giặc bạo tàn, càng lưu tâm vào các sách thao lược, đem hết của nhà hậu đãi tân khách. Đến năm Mậu Tuất [1418], nhóm nổi nghĩa binh, kinh dinh thiên hạ, trước sau trải mấy chục trận, đều là đặt quân phục, dùng binh kỳ, tránh chỗ chắc, đánh chỗ mềm, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh. Đến khi quân Minh đầu hàng thì răn cấm quân lính không được mảy may xâm phạm. Từ đấy, hai nước hòa hiếu, bắc nam vô sự. Mường Lễ, Ai Lao đều sáp nhập bản đồ, Chiêm Thành, Chà Bàn vượt biển sửa lễ cống. Vua mặc áo sớm, ăn cơm trưa, trải 10 năm mà thiên hạ đại trị.


Vua dấy nghĩa binh, chưa từng giết bừa một người nào. Chỉ biết lấy mềm chống cứng, lấy yếu địch mạnh, lấy ít thắng nhiều, không đánh mà khuất phục được người, cho nên có thể đổi vận bĩ sang vận thái, chuyển thế nguy thành thế yên, đổi cuộc loạn thành cuộc trị. Câu "Người có nhân, thiên hạ không ai địch nổi" chính hợp với vua. Cho nên, vua lấy được thiên hạ, truyền cơ nghiệp đến muôn đời là phải lắm.

Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng:

Vua Thái Tổ ta, có tài dùng binh, khi ngày mới dựng cờ khởi nghĩa, chỉ vỏn vẹn có 200 quân thiết đột, 200 dũng sĩ và 300 nghĩa binh. Thế mà phía Tây Ai Lao phải thần phục, phía Bắc dẹp hết giặc Ngô. Xét về kế bí mưu kỳ, phần nhiều là do tài thao lược. Ngài lại tinh tường việc chính trị: Khi mới đến hành doanh Bồ Đề, ngài đã tuyển dụng hiền tài, đặt quan chia chức, trừ tàn cấm bạo, thương yêu quân dân, thu hút các bộ lạc, phòng bị nơi biên cương. Thực đã có ngay một quy mô đại định thiên hạ. Đến khi thống nhất non sông, ngài phong công thần, phong Nho giáo, chế lễ nhạc, định luật lệnh, đặt quân kỷ, lập hộ tịch, chỉnh đốn các ngành thuế, bỏ phép tiêu tiền giấy. Thi hành chánh sự rất là rộng lớn chu đáo. Cứ xem ngay những bài Chiếu bài Sắc ban ra thời ấy, đủ thấy lời răn dạy và phép trị bình rất là tường tận. Ngài khôi phục non sông, đem lại thái bình, công đức ban khắp đương thời, cơ nghiệp truyền cho hậu thế. Rực rỡ lắm thay".

Lời bình của các quan đời Vĩnh Trị, sách Lam Sơn thực lục:

Thái Tổ Cao Hoàng đế chúng ta, lấy tài thông minh, trí, dũng làm việc hỏi tội, cứu dân. Trong lúc mới cất quân khởi nghĩa, không để cho quan tước dụ nổi; không để cho oai thế hiếp nổi. Tuy gặp lúc nhiễu nhương, mà lòng càng vững; trải cơn cùng quẫn mà chí càng hăng. Tới khi tiếng nghĩa đồn dậy, gươm thần vung dài, mà các dũng tướng, mưu thần xúm lại như mây họp! Tướng võ thì bọn Trịnh Khả, Lê Xí, thường lập được công to. Tướng văn thì bọn Nguyễn Trãi, Văn Linh, hằng bày ra kế giỏi...

Nguyễn Trãi trong bài Phú núi Chí Linh cho rằng Lê Thái Tổ sánh ngang với các vị vua hiền như Nghiêu Thuấn:[158]

Quy mô to lớn của Hán Cao cũng giống như đức thịnh của vua ta ngày nay.

Còn Câu Tiễn chỉ lo thỏa cái chí phục thù há lại có thể muôn một sánh tày.

Đến như thần võ không giết

Đức lớn hiếu sinh

Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước

Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh

Sửa hòa hiếu cho hai nước

Tắt muôn đời chiến tranh

Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh

Như thế thịnh đức của vua ta, há Hán Cao có thể sánh được, mà phải cùng khen với Ngũ đế Tam hoàng kia.

— Phú núi Chí Linh

.

Nguyễn Mộng Tuân trong bài Nghĩa kỳ phú viết về sự nghiệp của Lê Thái Tổ:

Lập công to để muôn đời, tiếng nhân vang khắp, khí nghĩa tràn lan. Đó là lá cờ nghĩa của Thánh Tổ, đặt Hán Đường xuống bậc thứ hai.

— Nghĩa kỳ phú[159]

Thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Lê Tung viết trong Việt giám thông khảo tổng luận:

Hơn 20 năm loạn lạc, một sớm dẹp yên. Non sông nhờ đấy cải quan, đất nước nhờ đấy yên tĩnh, là bởi Thái Tổ Cao Hoàng đế ta, trí dũng khoan nhân, vua tôi hợp lòng cùng dạ mà nên vậy. Hãy xem Thái Tổ thần vũ không thích giết người, tức là lòng của trời đất đó; thu nuôi dân xiêu các lộ, thế là lòng nhân của trời đất đó; tha về 10 vạn hàng binh, thế là đức của trời đất đó. Có lệnh tiến cử người hiền, tức như Thành Thang chọn người hiền không hạn phương nào; có chiếu dụ bảo kẻ hàng, tức như Thành Thang lấy khoan nhân thay cho bạo ngược. Binh nông có chế độ, tức như Vũ Vương dùng tám chính, chăm dân có điều lệ, tức là Vũ vương vỗ yên bốn phương. Bảo 10 điều quân chính, để giảng đại nghĩa vua tôi; ban sáu điều giáo hóa, để tỏ rõ luân thường phụ tử; thận trọng hình phạt, là kính sự tin của hiệu lệnh, kết hiếu nước Minh, là lo săn sóc lễ bang giao. Bằng như dựng thái miếu thờ tiên tổ, lập học hiệu để tỏ nhân luân; bài Bình Ngô đại cáo không câu nào không phải là lời nhân nghĩa trung tín, bộ Lam Sơn thực lục không việc nào không phải là đạo tu tề trị bình.[160]

Theo Giáo sư Văn Tân:

Nguyễn Trãi gọi phép đánh giặc của Lê Lợi là thánh võ hoặc thần võ (Ôi vua ta tài thánh võ-Đến như thần võ không giết-Bài Phú núi Chí Linh). Nghệ thuật quân sự trở thành thánh võ hay thần võ có nghĩa là đã phát triển đến tột đỉnh rồi. Nghệ thuật đó biểu hiện cụ thể ở lấy ít thắng nhiều, lấy yếu chống mạnh, không đánh thành mà cũng hạ được thành.[161]

Theo sử gia Việt Nam Cộng hòa Phạm Văn Sơn viết trong sách Việt sử tân biên:

Đầu thế kỉ 15, vua Thái Tổ nhà Hậu Lê, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ và kiên quyết của toàn dân, đã lập nên một sự nghiệp bất hủ trong sử xanh là đánh đuổi quân xâm lược của triều Minh ra khỏi bờ cõi, sau 10 năm chiến đấu đầy hi sinh gian khổ. Từ Thái Tổ đến Thánh Tông hùng khí của dân tộc Việt mạnh như sóng cồn, nếu đem so sánh Việt Nam với các lân quốc châu Á thì ta có thể tự hào rằng mình là quốc gia cường thịnh bậc nhất Đông Nam Á về mọi phương diện.[162]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Thái_Tổ http://www.bbc.com/vietnamese/regionalnews/story/2... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/333359 http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb14561806b http://www.idref.fr/083818103 http://id.loc.gov/authorities/names/n90659665 http://d-nb.info/gnd/132208482 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000054903505